Mở rộng dịch vụ
Năm 2014, HTX Ái Nghĩa tiếp tục gặt hái được những thành tựu nổi bật trong sản xuất, kinh doanh. Doanh thu thương mại - dịch vụ năm 2014 đạt trên 3,8 tỷ đồng; trong đó dịch vụ thủy lợi đạt hơn 1,2 tỷ đồng, gia công lưới xuất khẩu đạt 317,5 triệu đồng, dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm đạt 344 triệu đồng. Bên cạnh đó, HTX còn đẩy mạnh dịch vụ sấy nông sản với doanh thu đạt 825 triệu đồng, dịch vụ mua bán vật tư nông nghiệp với doanh thu đạt 800 triệu đồng…
Bê tông hóa kênh mương nội đồng ở vùng quy hoạch cánh đồng mẫu Ái Nghĩa. Ảnh: H.L
Theo ông Trương Cảm - Chủ tịch HĐQT HTX Ái Nghĩa, để có được thành quả trên, HTX đã có sự mạnh dạn, năng động trong đầu tư, kinh doanh và nỗ lực liên kết, tìm kiếm thị trường. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân cũng được chú trọng. Trong năm 2014, HTX đã phối hợp với một số công ty giống cây trồng tổ chức 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 500 lượt nông dân chủ yếu về kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa lai F1; cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, nông dân thị trấn đã tiếp cận và làm chủ kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” giúp tăng năng suất, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích hay kỹ thuật sạ thẳng bằng nông cụ sạ hàng… Bên cạnh tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nhà nông, năm qua, HTX còn đẩy mạnh bê tông hóa, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, đảm bảo công tác tưới tiêu cho đồng ruộng. Toàn thị trấn có 26km kênh mương thì 7km trong số đó đã được bê tông hóa kiên cố. HTX đảm nhận dịch vụ thủy lợi cho 332ha, quản lý vận hành 3 trạm bơm điện gồm trạm bơm điện Phước Nghĩa, khu 4 và khu 5. Nhờ chủ động nguồn nước, hệ số sử dụng ruộng đất và năng suất cây trồng được nâng lên rõ rệt.
Để đồng hành với nhà nông, năm qua HTX đã đầu tư trên 800 triệu đồng triển khai dịch vụ vật tư phân bón, tổ chức bán phân bón và vật tư trả chậm nhằm giúp bà con không bị động về vốn, kịp thời đầu tư vào sản xuất và kịp mùa vụ. Ông Trương Cảm thông tin thêm, từ nguồn lãi thu được, Ban quản trị HTX có điều kiện để xây dựng và sửa chữa một số hạng mục công trình như nhà máy xay xát chế biến gạo, mua xe vận chuyển nông sản để chế biến gạo an toàn... với tổng giá trị 1,2 tỷ đồng. Năm 2015 này, HTX quyết định đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng cơ sở sản xuất bánh tráng chất lượng tốt, gắn bao bì, nhãn mác để phát triển thương hiệu bánh tráng Đại Lộc, cung ứng cho thị trường.
Liên kết sản xuất
Những năm trở lại đây, thị trấn Ái Nghĩa trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công tác liên kết sản xuất lúa giống. Từ năm 2010, được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, dự án xây dựng mô hình cánh đồng mẫu tại Ái Nghĩa được đầu tư triển khai trên diện tích 220ha. Đây là cơ hội giúp nông dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế. Để làm tốt mô hình cánh đồng mẫu lớn, cùng với địa phương, HTX Ái Nghĩa đã chỉ đạo tốt công tác dồn điền đổi thửa, đầu tư thi công giao thông nội đồng, bê tông hóa kênh mương tại các cánh đồng khu 3, khu Trung An, khu Ái Mỹ. Cùng với đó, HTX đã đứng ra tổ chức liên kết 4 nhà: nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nước. HTX đã mạnh dạn ký kết hợp đồng với các công ty sản xuất lúa các loại. Năm 2014, vùng quy hoạch sản xuất lúa lai F1 của thị trấn đạt 176ha với năng suất bình quân đạt 3,8 tấn/ha và diện tích sản xuất lúa thuần là 45ha với năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Chia sẻ hiệu quả từ sản xuất hạt giống lúa lai, ông Nguyễn Văn Ánh, một nông dân tại khu 3, Ái Nghĩa cho hay: “Vụ đông xuân 2013 - 2014, toàn bộ 1ha đất canh tác đều được gia đình tôi sản xuất lúa giống F1 với các giống lúa lai như Nhị ưu 838, Hương Biển…, đem lại năng suất cao hơn 20 - 30% so với lúa thương phẩm. Nhờ cánh đồng mẫu, nhiều mùa vụ, nông dân Ái Nghĩa cũng trở nên khấm khá hơn”.
Theo ông Trương Cảm, không chỉ dừng lại ở việc liên kết sản xuất lúa giống, những năm qua, HTX còn chủ trương liên kết với xã viên sản xuất lúa an toàn trên cơ sở tận dụng hệ thống sấy, hệ thống máy xay xát, xe vận chuyển đã được đầu tư sẵn để chế biến gạo an toàn. Vùng sản xuất nguyên liệu được quy hoạch trên diện tích 10ha, áp dụng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn. Mỗi năm, HTX thu mua, bao tiêu 50 tấn lúa thương phẩm cho xã viên để chế biến gạo an toàn cung ứng cho các trường học, cơ quan, doanh nghiệp. Đây cũng là một hướng đi mới, cho thấy HTX Ái Nghĩa đã linh hoạt trong khâu liên kết giữa nhà nông - nhà khoa học - nhà quản lý - thị trường. “HTX đang tính đến việc xây dựng, đăng ký và phát triển thương hiệu sản phẩm gạo an toàn của Đại Lộc để cung ứng ra các địa bàn lân cận, nhằm gia tăng giá trị sản xuất, đem lại lợi nhuận cho nhà nông” - ông Cảm chia sẻ.