Chào mừng bạn đến với Hợp tác xã Ái Nghĩa ! chúc bạn ngày mới đầy năng lượng.
Thực trạng sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Nam vẫn chưa phát triển được nhiều vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để tạo nên sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết còn nhiều hạn chế; vai trò kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa mạnh để tạo mối liên kết trong phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững; việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp không nhiều nên chưa tạo được bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất qui mô lớn, có đầu tư; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới và mở rộng sản xuất thâm canh, nâng cao hiệu quả năng suất lao động vẫn còn dàn trải.
Trong thời gian đến, dự báo sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng và con vật nuôi, đặc biệt đang chịu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Xu thế hội nhập quốc tế đã đem đến cả tác động tích cực và tiêu cực, tạo ra cơ hội đan xen thách thức cho ngành nông nghiệp. Các hiệp định thương mại tự do được ký kết và thực thi đã mở ra thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn song cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt. Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu cấp thiết nhưng thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, qui chuẩn quốc tế … đây chính là những trở ngại lớn đối với nền nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Quảng Nam.
Do đó, để đạt được mục tiêu chung của Kế hoạch Tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 là xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất tăng năng suất, tạo sản phẩm chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế thì việc triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong toàn ngành Nông nghiệp và PTNT đang là xu thế tất yếu, nhằm tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến và thị trường.
Hội nghị lần này diễn ra với 3 chuyên đề:
Chuyên đề 1: Thực trạng và công tác chuyển đổi số đối với ngành Nông nghiệp và PTNT.
Chuyên đề 2: Một số nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện chuyển đổi số đối với ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam.
Chuyên đề 3: Nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số ngành nông nghiệp đối với việc kết nối tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT (sản phẩm chủ lực, OCOP…)
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chuyên gia kinh tế, Uỷ viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam trình bày chuyên đề trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chuyên gia kinh tế, Uỷ viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đã trình bày chuyên đề "Thực trạng và công tác chuyển đổi số đối với ngành Nông nghiệp và PTNT"; theo đó, đã nêu lên khái niệm "Chuyển đổi số nông nghiệp là số hóa các dữ liệu liên quan đến chuỗi giá trị nông nghiệp và liên kết chúng lại với nhau trên nền tảng công nghệ số; sử dụng các công nghệ số (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo …) để thay đổi phương thức làm việc, quản lý, sản xuất kinh doanh theo mô hình số". Đồng thời, cũng nhấn mạnh, nông nghiệp không như những ngành khác có thể sử dụng cơ sở dữ liệu của tỉnh này cho tỉnh khác; địa phương này cho địa phương khác bởi vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất … khác nhau ở mỗi vùng, địa phương. Do đó, số liệu phải do chính hộ sản xuất ở vùng đó số hóa lên, điều này đồng nghĩa với việc thực hiện chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT phải bắt đầu từ nông dân.
Ông Trương Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Công nghệ - Thông tin và Truyền thông trình bày chuyên đề tại Hội nghị
Tại chuyên đề "Một số nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện chuyển đổi số đối với ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam"; ông Trương Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Công nghệ - Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam đã nêu ra bốn yếu tố là điều kiện cần để thực hiện chuyển đối số, đó là: (1) Nguồn nhân lực đây là yếu tố cực kỳ quan trọng do đó cần nâng cao nhận thức, đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số; (2) Xây dựng các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số; (3) Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần lựa chọn được công nghệ tốt để thực hiện chuyển giao công nghệ cho người sản xuất; (4) Tập trung nguồn lực tài chính phù hợp, hiệu quả, khoa học cho chuyển đổi số.
Ông Tạ Quốc Sư - Phó trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ - Bưu điện tỉnh Quảng Nam trình bày chuyên đề tại Hội nghị
Chuyên đề 3 "Nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số ngành Nông nghiệp đối với việc kết nối tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT (sản phẩm chủ lực, OCOP…)" do Ông Tạ Quốc Sư - Phó trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ - Bưu điện tỉnh Quảng Nam trình bày. Trong đó có phân tích nội dung "Vì sao phải đưa sản phẩm lên sàn TMĐT"; bởi vì: hiện nay đang là thời đại công nghệ 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của internet, các thiết bị thông minh; (2) Cách thức tiêu dùng của người dân đã chuyển đổi thay vì chỉ mua hàng trực tiếp tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị, chợ … như trước đây chuyển dần sang mua hàng trực tuyến thông qua sàn TMĐT, Zalo, Facebook …; (3) Việc đưa sản phẩm lên sàn giúp thu hẹp khoảng cách địa lý, mở rộng thị trường cho người dân từ bán nông sản tại khu vực sinh sống trong tỉnh/huyện/xã có thể vươn ra thị trường trong nước và thậm chí thị trường quốc tế. Đồng thời, thông qua hình thức giao dịch trực tuyến giúp đảm bảo được lợi ích tốt nhất cho người bán và người mua, mang lại sự hài lòng cho cả hai bên.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại Hội nghị
Sau khi nghe các báo cáo chuyên đề và ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị; Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp mà ngành Nông nghiệp và PTNT, các địa phương và doanh nghiệp cần tập trung triển khai trong thời gian đến để thực hiện thắng lợi Chương trình Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT góp phần tăng tỷ trọng kinh tế nông nghiệp số trong nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam:
Thứ nhất: Tăng cường công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân về thực hiện chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT; tạo được sự đồng thuận trong các cấp chính quyền và nhân dân để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, mỗi ngành, mỗi địa phương cần chủ động xây dựng đề án, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ hai: Xác định đúng vai trò của 4 nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp" nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT là hết sức cần thiết. Trong đó: (1) Các cơ quan Nhà nước sẽ đóng vai trò trong việc định hướng, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số thông qua các hình thức như tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, xây dựng các mô hình chuyển đổi số trình diễn nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý các cấp, nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành cung cấp thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, thổ nhưỡng, mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi … phục vụ công tác quản lý và tổ chức sản xuất, tiêu thụ của nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; (2) Các nhà khoa học đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao các kết quả khoa học và công nghệ phù hợp với từng đối tượng cây trồng, con vật nuôi; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng giá trị và sản lượng nông sản; (3) Nhà doanh nghiệp mạnh dạn đưa công nghệ và cơ giới hóa vào nông nghiệp, phối hợp đào tạo người nông dân tạo ra sản phẩm nông nghiệp; (4) Nhà nông nâng cao nhận thức trong việc tham gia liên kết sản xuất, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong chọn giống, thâm canh và qui trình số sản xuất.
Thứ ba: Để đạt được mục tiêu hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại và phát triển bền vững, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường. Vấn đề đặt ra sản xuất nông nghiệp là làm sao giảm được chi phí sản xuất đặc biệt trong tình hình hiện nay giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao do tác động của dịch COVID-19, từ đó giảm được giá thành, tạo ra sản phẩm hàng hóa, cạnh tranh với thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Để giải quyết được vấn đề này các hộ nông dân cần liên kết lại với nhau thành tổ hợp tác/hợp tác xã theo hướng tổ chức chuỗi nông nghiệp (sản xuất - cung ứng - thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu, phân phối). Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức sản xuất nếu các nông hộ, doanh nghiệp áp dụng đầy đủ tiêu chuẩn VietGAP hoặc tiêu chuẩn hữu cơ; áp dụng thành tựu công nghệ 4.0 vào trong hoạt động quản lý và sản xuất sẽ góp phần tạo ra được nông sản có chất lượng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đó, giúp nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, tăng năng suất lao động và thu nhập của lao động trong nông nghiệp. Mặt khác, sẽ tạo ra các sản phẩm nông sản đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và hướng đến xuất khẩu nông sản.
Thứ tư: Để kết nối, quảng bá, giới thiệu nông sản; trước mắt, các địa phương cần phối hợp tốt với Bưu điện tỉnh Quảng Nam; Bưu chính Viettel Quảng Nam để hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn TMĐT: Sàn postmart.vn - Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; Sàn voso.vn - Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel. Trong đó tập trung ưu tiên đối với nhóm mặt hàng nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh./.
Nguồn: Ban Biên Tập Sở NN & PTNT Quảng Nam
Nguồn tin: snnptnt.quangnam.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Sáng sớm mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn (ngày 14/2/2024), nông dân ở thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) đã hối hả xuống các chân ruộng được gieo giống “bố anh”, “bố em” để nhổ mạ lên cấy.
Cấy lúa, làm bánh, một HTX ở Quảng Nam có doanh thu 30 tỷ/năm, ông giám đốc là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023
Chuyển đổi số sẽ là công cụ phục vụ đắc lực cho nông dân, các doanh nghiệp nhỏ và các HTX sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn theo xu thế thời đại. Việc ứng dụng chương trình chuyển đổi số sẽ giúp cho các HTX, doanh nghiệp ứng dụng, tạo ra nhiều cơ hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ngày 6/11 Đoàn công tác của Viện khoa học và môi trường Liên minh HTX Việt Nam phối hợp Công ty Qube, Blue planet đã tổ chức khảo sát tại HTX NN Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam nhằm thực hiện biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn và bảo vệ môi trường ở khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã giữa viện KH&MT Liên minh HTX Việt Nam và Công ty TNHH năng lượng tái tạo QUBE.